1. Chả Mực giã tay Hạ Long
Chả mực tưởng chừng là món ăn đơn giản đâu đâu cũng làm được lại trở thành “tượng đài ẩm thực” tại Hạ Long là bởi vì mực ở đây có vị ngọt hơn và được người thợ “giã tay” rất công phu. Thưởng thức chả mực bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, độ giòn dai sần sật của mực trong từng miếng chả.
Chả mực Hạ Long được đánh giá ngon hơn chả mực ở những vùng khác. Bởi mực ở Quảng Ninh thịt ngọt hơn so với mực ở vùng biển miền Trung, miền Nam. Điều đặc biển hơn cả để làm món chả mực này phải là loại mực mai, mai dày vẫn còn những chấm nhỏ li ti trên mai mực. Loại mực được bắt ở vịnh Hạ Long mới có thể có được hương vị thơm ngon đến vậy. Món chả mực được làm kỳ công bằng phương pháp thủ công giã tay mới cho thấy hết được cái tinh túy trong vị ngon của món ăn. Giã mực không được giã quá kỹ khi ăn sẽ bị ngán. Nếu giã chưa đủ độ sẽ khiến bạn cảm thấy xảm miệng.
Cầu kỳ, tỉ mỉ chính là yêu cầu cần thiết của món ăn này. Mực được làm sạch thái thành miếng nhỏ giã trong cối đá. Mực được giã hơi rối đủ để tạo độ kết dính và tạo cảm giác sần sật khi ăn. Miếng chả phải có độ giòn sần sật, không quá dai hay quá bở. Sự kết hợp của hạt tiêu và nước mắm đã tạo nên cái riêng biệt cho chả Hạ Long. Chính bởi cách làm cầu kỳ vậy mà người ta chia ra làm nhiều loại chả mực khác nhau như chả mực giã tay, chả mực xay. Với loại chả mực giã tay luôn có giá cao hơn so với chả mực xay.
Món chả mực truyền thống giã tay chính là đỉnh cao trong nghệ thuật ẩm thực nơi đây. Thưởng thức miếng chả mực sẽ khiến bạn cảm nhận được vị thơm ngọt, không hề có sự pha tạp. Để ăn chả mực Hạ Long đúng vị người ta thường ăn kèm với xôi trắng. Hương thơm của xôi nếp hòa quyện cùng vị ngọt của thịt mực tạo nên sự thú vị vô cùng hấp dẫn cho thực khách.
2. Sá sùng – đặc sản nổi tiếng ở Hạ Long
Sá sùng, còn gọi là trùng biển hay sâu cát, có nhiều ở những vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Giờ, Côn Đảo… Sá sùng sống trong hang sâu, dưới cát, màu nâu đỏ, dài từ 10-15cm, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti. Sá sùng có hình dạng như trùn đất, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát.
Người ta thường đi bắt sá sùng vào sáng sớm, theo những ổ đất mà chúng để lại trên mặt biển sau khi ngoi lên kiếm ăn mỗi đêm. Thấy dấu vết sá sùng, chỉ cần xúc sâu vào lớp cát sẽ “tóm” ngay được chúng bên dưới.
Thức ăn của sá sùng là những sinh vật phù du nên có lẽ vì thế sá sùng có nhiều axít amin, glyxin, alanine, glutamin, taurine cũng như nhiều loại khoáng chất khác. Theo Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, có thể trị chứng âm hàn, bổ dương khí, giá trị dinh dưỡng rất cao.
Sá sùng là món ăn khá đắt đỏ của ẩm thực Hạ Long, sở dĩ là do sá sùng rất hiếm chỉ có ở đảo Quan Lạn – Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh), mỗi kg sá sùng có giá khoảng 4 triệu. Sá sùng tươi xào tỏi là món ăn đặc sản ở Hạ Long, hay sá sùng rang chấm với tương ớt ăn kèm với rau diếp cá, uống bia cũng rất hấp dân, người dân Hạ Long thường phơi khô sá sùng rồi đem rang cho chín vàng có mùi thơm hấp dẫn. Sá sùng khô nướng bằng cồn rồi ăn như mực khô, chấm với tương ớt. Loại này cũng có thể chiên giòn và dùng thay cho tôm khô khi nấu canh. Sá sùng tươi thì xào, chiên, làm một món trong bữa cơm hàng ngày cũng rất tuyệt.
3. Sam Hạ Long – Món ăn độc đáo của Hạ Long
Sam biển – món ăn độc đáo của Hạ Long, để bắt được sam, người ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi. Và đặc biệt với cái tên là Sam, loài hải sản này lúc nào cũng đi theo đôi. người ta thường ví : “dính lấy nhau như sam” vậy, nên thường người ta bắt được cả đôi sam. Nhưng nếu chỉ bắt được một con thì họ thường thả ngay xuống biển bởi người ngư dân tôn trọng truyền thuyết về đôi sam. Sam không khó tìm như sa sùng tuy nhiên công đoạn chế biến sam rất cầu kỳ. Phải là người đi biển lâu năm mới cho ra được những món san tuyệt vời được.
Nếu bắt được con sam không ăn sứa thì không sao nhưng bắt phải con ăn sứa thì gan va ruột của nó cực độc, có thể gây chết người. Chính vì vậy người làm cần phải rất cẩn thận. Sam biển là loài giáp xác, tính lạnh nên khi cắt tiết phải cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. Cả một con sam chỉ lấy riêng phần bụng và phần trứng, tránh không để ruột và gan sam bị vỡ. Sau khi đã được sơ chế hoàn chỉnh, sam có thể trở thành nguyên liệu của rất nhiều món hấp dẫn và bổ dưỡng như chân sam xào chua ngọt, gỏi sam, sam xào sả ớt, trứng sam chiên giòn, sụn sam nướng, sam bao bột rán, sam xào miến…món nào ăn cũng đều hấp dẫn.
4. Bún Bề Bề Hạ Long
Là một trong những đặc sản mang thương hiệu Hạ Long, bún bề bề là một món ăn không thể không thử trong những cuộc hành trình đến mảnh đất miền biển này. Món ăn tuy đơn giản nhưng lại khiến rất nhiều thực khách thích thú. Với mỗi cửa hàng, người bán hàng lại có cách chế biến món ăn này khác nhau. Điều đó mang đến sự đa dạng trong món ăn này.
Nhiều năm trở lại đây bề bề được biết đến là sản vật của vùng đất Hạ Long. Nó còn có tên gọi khác là tôm tích, tôm tít, tôm thuyền hay tôm búa. Loại đặc sản này thuộc nhóm giáp xác là món ăn ngon giàu dinh dưỡng. Nhìn bề ngoài bạn sẽ thấy con vật này giống tôm nhưng có nhiều chân hơn. Với điều kiện tự nhiên được ưu đãi mà loại tôm tích Hạ Long ngon, béo và nhiều thịt hơn những nơi khác. Tôm tích có hai càng trước lớn, thân có nhiều đốt, có lớp vỏ dày sắc nhọn bọc phía ngoài. Thịt tôm tích thơm, ngọt, giàu dinh dưỡng. Tuy mới chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây những bún bề bề đã chinh phục rất nhiều thực khách.
Để có được món bún tôm tích ngon người nội trợ thường lựa chọn loại tôm tích trắng. Loại này cho thịt ngọt, giàu dinh dưỡng sẽ có được bát bún ngon đúng vị. Bên cạnh việc chọn nguyên liệu thì cách làm nước dùng cũng là yếu tố quyết định cho hương vị của bát bún. Theo kinh nghiệm của những người bán hàng việc chế biến tôm tích phải rất cẩn thận. Bởi nếu không có kinh nghiệm sẽ luộc tôm tích quá kỹ khiến nó bị tanh, xác không ngọt. Nếu luộc chưa chín rất khó trong việc lột vỏ bên ngoài. Chính bởi vậy luộc tôm tích sao cho vẫn giữ được độ ngọt, không bị tanh là cả một nghệ thuật.
5. Bánh Gật Gù – Đặc sản truyền thống Hạ Long
Bánh gật gù giống bánh phở hay bánh cuốn của Hà Nội, là món ăn nổi tiếng ở vùng Tiên Yên, Quảng Ninh. Người dân địa phương kể lại cái tên gật gù là khi cầm miếng bánh lên nó sẽ dao động lên xuống tựa như cái đầu đang gật lên gật xuống. Vậy nhưng có nơi lại kể rằng vì bánh rất ngon nên khi ăn thực khách phải gật gù để tỏ lòng ngợi khen người làm.
Về Hạ Long, bạn dễ dàng gọi món bánh này ở những quán phở. Bởi có cùng nguyên liệu là bột gạo xay mà quán nào làm bánh phở cũng làm kèm bánh gật gù. Bánh gật gù dày hơn, dai và dẻo hơn các loại bánh tương tự. Bánh gật gù được ăn với món nước chấm cũng được chế biến khá đặc sắc. Đó là nước mắm ngon của Quảng Ninh chưng với mỡ gà, hành phi, ớt, tiêu và thịt băm. Loại nước chấm này có màu vàng, vừa thơm vừa béo ngậy nên rất hài hòa với vị thanh mát của bột gạo trong bánh gật gù. Bánh cũng có thể được chấm với khâu nhục (thịt ba chỉ hầm), tùy vào khẩu vị của người ăn.
6. Bánh Tài Lồng Ếp Hạ Long
Bánh tài lồng ếp có nguồn gốc từ người Sán Dìu ở Quảng Ninh, món ngon này có nhiều tên gọi khác nhau như "tày nồng ệp", "tài nồng ệp", "bánh tổ", "bánh cấu" hay "xì lồng cấu", cũng có người gọi rất hay là bánh tài lộc.
Bánh lồng ếp Hạ Long không chỉ là món ngon ăn vặt, ăn chơi mà còn là thứ để cúng ngày lễ tết. Bánh tài lồng ếp Hạ Long có hình tròn, được làm theo tín ngưỡng cúng trời đất của người Sán Dìu (giống như bánh trưng, bánh giày). Một món ăn ngon Hạ Long cùng ý nghĩa thờ đất trời, bánh lồng ếp được du khách chọn nhiều làm đặc sản Hạ Long làm quà cho người thân.
Nguyên Anh Travel sưu tầm