Phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang được các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục độc đáo. Từ đó, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm.
Tiết mục hát then "Lên bản bà Quan của huyện Bình Liêu" tại "Không gian văn hóa Tết các dân tộc Quảng Ninh" năm 2025.
Bình Liêu có hơn 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 58,4%; dân tộc Dao chiếm 25,6%; dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%; dân tộc Kinh chiếm 3,7%; dân tộc Hoa chiếm 0,3%, còn lại là các dân tộc khác. Những năm qua, huyện dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã hoàn thành Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong quy hoạch triển khai lập đồ án quy hoạch, UBND huyện đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí khảo sát địa hình lập nhiệm vụ, lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Điểm dân cư nông thôn kết hợp làng văn hóa - du lịch, bảo tồn, phát triển dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Điểm dân cư nông thôn kết hợp làng văn hóa - du lịch, bảo tồn, phát triển dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn…
Cùng với đó, nhiều phong tục tập quán, lễ hội như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Ngày Hội Kiêng gió của dân tộc Dao; Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao... được lưu truyền, tổ chức gắn chủ trương phát triển du lịch của huyện, thông qua các hoạt động văn hóa đặc sắc, ấn tượng như biểu diễn nghệ thuật hát dân ca; tái hiện các nghi lễ truyền thống; trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian... Qua đó, đã góp phần giới thiệu, quảng bá, tạo cơ hội để du khách tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc.
Trải nghiệm may, thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long) trong phát triển du lịch.
Chị Trần Hồng Hà (du khách Hà Nội) cho biết: Tôi và gia đình rất thích đi du lịch và trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa tại các vùng miền của Tổ quốc. Khi đến với mảnh đất Bình Liêu, tôi thực sự rất choáng ngợp bởi sự yên bình, không khí trong lành. Tôi rất ấn tượng với cách làm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các làn điệu hát then đặc sắc của người dân tộc Tày nơi đây. Gia đình tôi cũng đã có kế hoạch sẽ trở lại Bình Liêu để trải nghiệm hết những nét đặc trưng văn hóa, con người nơi đây.
Cùng với Bình Liêu, thời gian qua, huyện Vân Đồn cũng đã tích cực triển khai bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của các dân tộc. Huyện đã xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa, thể thao xã kết hợp với Nhà truyền thống Sán Dìu tại thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, trên diện tích gần 800m2, nhằm thực hiện “Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025”. Trung tâm đã góp phần giúp người dân Sán Dìu trên địa bàn phát huy, bảo tồn tốt bản sắc dân tộc mình, đồng thời duy trì sự phát triển của làng DTTS ở đây, như: Bảo tồn các làn điệu soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc, vũ điệu hành quang, dân ca, dân vũ, lễ hội Đại phan...
Để đa dạng hoá các loại hình sinh hoạt, tạo thêm sản phẩm du lịch nhằm hút khách du lịch đến với địa phương nhiều hơn, xã Bình Dân cũng thành lập Câu lạc bộ hát soọng cô thu hút nhiều bạn trẻ đến sinh hoạt; duy trì các sản phẩm ẩm thực truyền thống, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đám cưới, vào nhà mới, lễ cấp sắc…. Nhờ đó, nơi đây đã hấp dẫn được khách du lịch muốn tìm hiểu, khám phá nét sinh hoạt của người dân tộc Sán Dìu, mở hướng cho Bình Dân một loại hình phát triển kinh tế mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Để khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngày 10/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025). Trong 2 năm (2024-2025), Quảng Ninh triển khai 15 nhiệm vụ, trọng tâm, như: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi… Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa con người Quảng Ninh tới đông đảo người dân, du khách.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ DU LỊCH NGUYÊN ANH
Chuyên trang UY TÍN Tour Du Thuyền Hạ Long & Lan Hạ, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp luôn mang đến tour du lịch, du thuyền chất lượng & giá tốt nhất đến Qúy Khách hàng....
Trụ sở chính: 167 phố Nguyễn An Ninh, P.Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
🏦 Văn phòng giao dịch: Tầng 3 số 103 đường Trường Chinh (Ngã Tư Vọng) Hà Nội
GPKD Số: 0109560673 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 22/3/2021
GPLHNĐ Số: 01-0349/2023/SDL-GP LHNĐ
0968 903 286 / 0918 608288